11/12/2019
Ngày nay thông thương đã dễ dàng hơn trước đây rất nhiều, nên việc thưởng thức đặc sản Lạng Sơn không còn khó khăn nữa và đi Lạng Sơn du lịch cũng không hề khó. Ngoài các địa điểm du ngoạn thì ẩm thực Lạng Sơn cũng khiến du khách mê mẩn. Trong hành trình trải nghiệm văn hóa ẩm thực của Bếp Cô Tấm tại vùng đông bắc bộ, chúng tôi đã được trải nghiệm nhiều đặc sản ngon nức tiếng:
1. Vịt quay
Sở dĩ tôi giới thiệu món ăn này đầu tiên bởi đây là món ăn quá nổi tiếng. Dù là món ăn khá dân dã của người Lạng Sơn nhưng đã trở thành thương thiệu làm nổi tiếng cả vùng. Đi đến đâu trên khắp đất nước hình chữ S này bạn dễ dàng bắt gặp biển hiệu vịt quay lạng sơn.
Vịt để làm vịt quay phải là giống vịt bầu Thất Khê, sau khi vịt được làm sạch sẽ được tẩm ướp gia vị, hương liệu, nhồi hành, hạt tiêu, móc mật vào trong bụng vịt rồi khâu lại. Phần da bên ngoài được lau tẩm mật ong, để 10 phút cho ngấm. Quay vịt trên than hồng khoảng 15 phút, sau khi quay thì vịt được nhúng vào chảo mỡ đảo đều rồi cho ra giá để nguội. Việc quay vịt phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thì càng thơm. Thịt vịt quay xong lên màu cánh gián rất đẹp, miếng thịt ăn vào thấy đậm đà và mềm ngọt.
2. Phở chua
Là món ăn sáng cực kỳ hấp dẫn du khách khi đến Lạng Sơn. Đặc sản phở chua được chế biến rất cầu kỳ nên nó cũng có hương vị rất chi là hấp dẫn. Để tận hưởng hết hương vị của món phở chua này bạn phải ăn một cách thư thái, hà hít hương thơm của bát phở thì mới cảm nhận được sự tinh túy của món ăn, cùng với vịt quay thì phở chua là đặc sản mang lại sự đặc biệt của ẩm thực Lạng Sơn.
3. Lợn sữa quay
Cũng như vịt quay đây là món ăn tuyệt đỉnh của xứ Lạng, bởi lợn quay Lạng Sơn có cái hương vị đặc trưng riêng mà các vùng miền khác không có được. Sau khi sơ chế xong lợn được nhồi vào bụng các loại lá rừng của bà con dân tộc Tày, Nùng cùng với là mắc mật bánh tẻ. Lợn sẽ được quay trên bếp than rực lửa, để thịt chín có màu vàng đẹp, bì lợn giòn rụm, người ta quét hỗn hợp mật ong, dấm, dầu ăn lên mình lợn trước khi đem quay. Khi lợn chín tới người ta lại dùng vải sạch thấm hỗn hợp nước trên lau qua mình lợn một lần nữa rồi lại cho vào lò quay với lửa thật mạnh, lần này bì lợn sẽ phồng lên. Khi ăn bì lợn giòn, thịt lợn dai, có vị rất đặc trưng quyện với mùi thơm của là mắc mật.
4. Quýt Bắc Sơn
Tại các thung lũng của huyện Bắc Sơn, người dân bản địa trồng rất nhiều quýt. Từ xa xưa nơi đây đã nổi tiếng với việc trồng quýt. Trái quýt có màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng, tất cả cô đọng trong miếng quýt mà mọi người thưởng thức. Quýt Bắc Sơn có màu sắc rất hấp dẫn, quả căng tròn, không nhiều hạt, có vị hơi chua, nhưng hương vị rất đặc trưng mà các loại quýt khác ko có được.
5. Nem nướng Hữu Lũng
Thịt để làm nem nước phải là thịt mới mổ, thịt hồng. Người ta dùng phần vai của con lợn để món ăn không bị quá nạc cũng không bị quá mỡ. Thịt mua về làm sạch và được thái sợi nhỏ (thái con chì), bì lợn thì được cạo sạch lông và đem luộc chín. Trộn thịt và bì lợn với thính gạo rồi gói lại bằng lá chuối tươi. Sau một thời gian thịt đã lên men thì đem nướng trên bếp than hồng cho cháy là chuối gói ở bên ngoài, lúc này mùi nem nướng đã đánh thức các giác quan của con người như mời gọi thưởng thức. Món nem nướng thường ăn kèm với lá đinh lăng hoặc là lá sung chấm với tương ớt. Cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận được vị chua, ngọt, cay dịu tạo lên hương vị khó chối từ.
6. Khâu nhục
Là món ăn truyền thống của bà con nhân dân vùng cao xứ Lạng. Khâu nhục được chế biến rất cầu kỳ từ thịt ba chỉ. Sau khi được ướp kỹ với các gia vị như: húng lì, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu… và hấp cách thủy trong thời gian dài. Du khách tới Lạng sơn trong thời tiết se lạnh mà được ngồi nhâm nhi chén rượu với khâu nhục thì khó có thể có gì khác ngon hơn.
7. Na Chi Lăng
Na Chi Lăng mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng bẩy và ngọt sắc. Những trái na được chuyển từ trên đỉnh núi xuống chân núi để phục vụ khách du lịch thưởng thức nên nó còn có tên gọi vui là 'Na đu dây '. Để vận chuyển được đi xa thì người ta phải hái na trước thời điểm na chín 1 tháng, vì khi chín thì rất khó để vận chuyển xa được, vào mùa la bạn có dịp đi qua đoạn Chi Lăng sẽ thấy bà con bày bán một doạn dài ở hai bên đường. Na Chi Lăng rất là nổi tiếng trong thế giới của quả Na đó các bạn!
8. Đào Mẫu Sơn
Là một tuyệt phẩm của tự nhiên, với thời tiết quanh năm mát mẻ và se lạnh của đỉnh Mẫu Sơn đã tạo lên hương vị đặc biệt cho quả đào so với các giống đào được trồng ở địa bàn khác.
Đào Mẫu Sơn to như cái bát cơm, 3-4 quả đã được 1kg, khi chín bên ngoài có màu xanh nhạt, bên trong có màu đỏ au, vị ngọt lịm, cắn một miếng giòn tan nhai rồm rộp, mùi thơm nhẹ nhàng rất đặc trưng. Bạn đã ăn đào mẫu sơn thì khi ăn các loại đào khác bạn thầm ước giá mà là đào mẫu sơn. Mùi vị ấy, hương thơm ấy sẽ khiến thực khách khó lòng có thể quên.
9. Hồng Bảo Lâm
Hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng nỏi tiếng được trồng từ lâu đời tại xã Bảo Lâm. Đây là loại hồng giòn, thơm, có vị ngọt đậm, khi cắt ngang quả hồng thì các múi xếp đều nhau hình hoa thị có 3- 12 cánh, thịt hồng có màu đỏ đạm, các cánh hoa thị là do các hạt lép vào nhau àm tạo thành. Nếu cắt dọc quả thì bạn thấy mịn, không có thớ, không có đốm đen và đặc biệt là không có hạt.
10 Bánh cao sằng
Nguyên liệu để làm loại bánh này rất đơn giản chỉ là thịt lợn băm, hành khô. Thịt lợn băm nhỏ, ướp gia vị vừa ăn, hành củ thái nhỏ cắt nhuyễn, cho vào chảo phi thơm rồi cho thịt vào xào săn là được. Sau khi bột và nhân được làm xong thì bánh sẽ được mang đi hấp.
Bánh ăn kèm rau diếp sống và chấm nước mắm tỏi ớt, rất thú vị và đặc sắc.
Trên đây Bếp Cô Tấm xin giới thiệu tới các bạn một số đặc sản Lạng Sơn để khi có dịp các bạn nên thưởng thức và cảm nhận.