11/12/2019
Trong chuyến đi Tây Bắc của mình Bếp Cô Tấm có dịp ghé qua vùng đến Cao Bằng -vùng căn cứ địa cách mạng. Cảnh vật thiên nhiên và con người nơi đây thật là gần gũi. Trong chuyến đi này tôi đã được thưởng thức rất rất nhiều đặc sản của con người nơi đây, và tất nhiên cũng đã mua về làm quà cho bạn bè và người thân của mình. Với mong muốn chia sẻ của ngon vật lạ tới bạn bè và người thân, hy vọng nhiều người được thưởng thức món ngon của các vùng miền.
1. Miến dong đen
Khi ngang qua Nguyên Bình vùng đất miến, vâng phải nói là vùng đất miến các bạn ạ. Không chỉ theo nghĩa đen nơi đây là vựa sản xuất miến dong mà còn là vì chất lượng miến dong ở nơi đây thật sự là rất tuyệt.
Người dân chân chất nơi đây đã tạo ra loại miến thơm ngon không cần thêm nhiều gia vị mà bạn vẫn có được tô miến thơm ngon hảo hạng không nơi đâu sánh được. Chính bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của người dân nơi đây trải qua rất nhiều đời làm miến đã tạo lên sợi miến bóng đẹp, giòn dai, có hương thơm đặc trưng của bột dong mà không cần dùng phụ gia thực phẩm nào cả. Bát canh miến Nguyên Bình thực sự là rất thươm ngon mà ko cần nước hầm xương để nấu.
Trong mâm cỗ tết cổ truyền mà có được bát miến dong dâng lên tổ tiên thì thật là tuyệt hảo, thường miến dong nơi đây được nấu với thịt gà, mộc nhĩ, nấm hương, đó là món ăn cổ truyền, nó không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn mang hương vị của vùng đất nơi đây, khiến cho bữa cơm tất niên thêm đậm đà ấm áp tình thân.
2. Nằm khâu
Đây là món ăn đặc sản khi bạn đến Cao Bằng, thường xuất hiện trong cỗ cưới của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng. Nằm khâu được nấu từ thịt ba chỉ và khoai, hương vị quyện vào nhau thật là khiến thực khách khó có thể quên khi thưởng thức. Nằm khâu là món ăn gần gũi đậm đà tình thân của người dân nơi đây, món ăn luôn luôn phải giữ nóng mới ngon, không ít người lần đầu được thưởng thức, nhìn thấy miếng ăn to đã sợ ngấy nhưng khi chén rồi thì thật sự là chỉ muốn chén bay cả đĩa.
3. Cá chiên sông Gấm
Cá lăng chiên là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất cao Bằng. Là loại cá đã được nhiều nhà hàng nổi tiếng dùng đế chế biến món chả cá. Đây là loại cá phù hợp nhất. Lòng cá nhiều nơi vứt đi nhưng với lòng cá lăng sông gấm thì thật là thứ ngon nhất trên đời.
Cá chiên có con đến vài chục kg, là loại khó bắt lắm vì chúng là loài sống ở đáy sông, không những thế mà còn chui ở trong hang. Người đi câu phải dùng mồi là phải phục bắt, đóng lán trại thường xuyên để mà đợi cá, đến khi câu được con nào là có người tìm đến tận chỗ mà mua, không phải đi bán, chỉ cần nói thế là bạn biết được sức hút của loài cá này rồi chứ?
4. Bánh khảo
Đây thực chất là lương khô của bà con đân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Thường bánh khảo được làm cho dịp lễ tết, để lâu mà không bị mốc, thiu. Với phong tục nơi đây, những ngày tết xuân nếu trong nhà còn bánh khảo thì vẫn còn tết các bạn à.
Để làm được món bánh khảo ở nơi đây đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, và thật khéo léo, thực tế thì ai cũng có thể tạo ra một chiếc bánh khảo nhưng để có một chiếc bánh khảo ngon kiệt tác thì không phải ai cũng có thể, người làm bánh ngon và khéo léo thực chất là những nghệ nhân ẩn mình ở nơi thôn dã.
5. Xôi trám
Rất lạ rất đặc sắc mà lại thật dân dã với bà con nơi đây, ngon khác lạ, tôi đã từng thử xôi xéo, xôi củ cẩm, rất nhiều loại xôi, nhưng nói thật xôi trám rất đặc biệt và khác lạ. món ăn này theo mùa quả trám nên thường chỉ có vào mùa thu, bạn sẽ được thưởng thức nó khi đến đây vào mùa thu.
Có hai loại trám, trám trắng và trám đen. Trám trắng được dùng để làm các loại kẹo, mứt, đậu sị, ô mai, và còn dùng để chữa ho, giải rượu. trám đen thì hay được sử dụng vào chế biến các món kho, sốt đậu phụ, cá, trám bổ trợ cho món chính để có được hương vị đậm đà, nhưng hợp nhất phải là xôi trám, muốn làm xôi trám thì chỉ có dùng trám đen. Xôi trám làm đơn giản, nhưng thưởng thức nó thì đúng là một cảm giác thật khó quên vì nó rất thơm, béo ngậy, rất tốt cho sức khỏe. Nếu bạn muốn cất trữ để sử dụng thì hãy ngâm nước ấm, bóc lấy phần thịt và sấy hoặc phơi khô sau đó đựng vào lọ để bảo quản.
6. Phở chua
Là đặc sản của miền sơn cước, phở chua được liệt vào danh sách những món ăn đặc sắc trong ẩm thực Việt Nam, là món ăn nguội nên phở chua được yêu thích khi ăn vào mùa thu và mùa hè.
Phở chua Cao Bằng rất riêng vì bánh phở có độ dẻo, độ béo của thịt ba chỉ, vịt quay cà còn vị bùi ngậy của mỡ vịt, vị chua cay của măng ớt… ăn vào lúc thời tiết se lạnh trong mùa thu thì rất ấm áp, mùa nóng thì lại có cảm giác rất mát lạnh, thật lạ phải không các bạn. hãy thử nó nhé, các bạn sẽ nghiện cái hương vị độc đáo của nó đấy tôi đã bị chinh phục bởi nó như thế.
7. Bánh áp chao
Rất nổi tiếng vào mùa đông khi bạn có dịp đến Cao Bằng. Nó rất đặc biệt giúp xua tan nhanh chóng cái thời tiết lạnh cóng của miền rừng núi. Bề ngoài nhìn như bánh rán dưới xuôi, nhưng ko phải bánh rán, người dân bản xứ gọi đó là bánh áp chao.
Ô các bạn còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết được rằng nguyên liệu để chế biến lên bánh áp chao thật là đơn giản, nó chỉ gồm bột gạo tẻ, gạo nếp và thịt vịt, rất đơn giản phải không nào? Chỉ khi thực sực cắn ngập răng miếng bánh áp chao thì bạn mới cảm nhận được cái tình cảm yêu thương sâu lắng, khi hương vị được hòa quyện nhuần nhuyễn giữa gạo tẻ, gạo nếp và thịt vịt.
8. Hạt dẻ trùng khánh
Nghe như là hàng trung quốc các bạn nhể? Nhưng đó là hạt dẻ trùng khánh chỉ có ở Cao Bằng. Tôi cũng chẳng biết sao lại có cái tên sặc mùi Trung Quốc đến thế, nếu đã từng được thưởng thức hạt dẻ Trùng Khánh thì bạn sẽ không thể nào quên được một loại quả thơm ngon, bùi bùi ngầy ngậy và nhất định bạn phải mua về để làm quà, nó sẽ ngon hơn, thơm hơn khi được rang chín với bơ các bạn à.
Đặc điểm của hạt dẻ Trùng Khánh là vỏ cứng, dày, nhiều lông tơ, rất thơm mặc dù bạn chỉ cần luộc, hấp hay nướng hoặc là rang. Chỉ cần ngậm nước một lúc tự nó sẽ mềm ra như bột bánh, hạt dẻ trùng khánh vào mùa là ở mùa thu, trong cái tiết trời se lạnh thì bạn sẽ cảm nhận được nguyên vị của hương vị núi rừng và tấm chân tình của người chăm sóc cây dẻ.
Đó các bạn ạ, đúng thật là đi một ngày đàng học một sàng khôn, thật là bổ ích. Có thời gian hãy khám khá đặc sản nổi tiếng Cao Bằng bạn nhé!!