04/06/2020
Người Việt chúng ta có thói quen rất tốt đó là uống trà, nhưng để cảm nhận được đầy đủ hương, vị, sắc, và thư giãn thưởng thức nó thì không phải ai cũng biết cách. Bếp cô Tấm xin giới thiệu tới các bạn bài viết nét đẹp trong nghệ thuật thưởng trà của người Việt xưa.
Để có được ấm trà ngon thì quá trình pha trà yêu cầu phải được thực hiện tỉ mỉ trong từng thao tác. Chính các thao tác đó đã trở thành lễ nghi của nghệ thuật trà đạo của người Việt Nam.
Chuẩn bị dụng cụ: việc chuẩn bị các công cụ, dụng cụ để pha trà cũng cần phải đầy đủ. Trước khi pha chúng ta cần phải làm nóng ly trà, bình trà bằng nước sôi (bước này còn gọi là đánh thức ấm trà). Các dụng cụ dùng để múc trà, vớt bỏ bã trà nên dùng loại làm bằng gỗ hoặc tre. Việc dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung còn được người xưa gọi là “ngọc diệp hồi cung” (lá trở về đất).
Tráng trà: Sau khi lấy trà cho vào ấm đất nung thì chúng ta thực hiện việc rửa trà (tráng trà). Công đoạn này giúp làm sạch trà, giúp trà ngấm nước, và khi trà pha xong có màu sắc đẹp hơn. (tiếng hán việt gọi công đoạn này là cao sơn trường thủy).
Hãm trà uống: Sau khi tráng trà chúng ta mới châm nước lần thứ 2 để hãm trà uống (tiếng hán việt gọi là hạ sơn nhập thủy). Nước nóng sẽ được đổ từ trên cao xuống vào ấm trà tiếng nước chảy róc rách khiến bạn như đang đứng trước một dòng thác đổ, đổ đến khi nước nóng tràn ngập miệng ấm, đậy nắp lại, bụi trà được loại bỏ, nắp ấm cũng phải được dội nước sôi làm nóng để giữ nhiệt tốt nhất cho trà. Hãm trà trong từ 1-2 phút, hương thơm nồng đậm của trà sẽ hấp dẫn bạn.
Mỗi một hành động trong thưởng trà đều mang tính chất nghệ thuật nhất định nếu bạn làm tốt thì sẽ cảm thấy rất thư thái, mọi thứ trở nên hanh thông. Khi trà đã hãm xong sẽ được rót ra chén lớn gọi là chén tống (bạn uống trà thì cũng nên chuẩn bị chén to để chắt nước nhé. Bạn phải chắt hết nước ra chén tống, không được ngâm trà) rồi từ đó mới chia đều cho từng chén nhỏ gọi là chén quân.
Chia trà cũng phải có kinh nghiệm và nghệ thuật để mọi chén trà có được chất lượng như nhau. Cách chia trà đúng nhất đó là bạn không được rót đầy chén uống trà một lần mà lần đầu bạn chỉ nên rót ½ chén, hết một vòng bạn lại rót lần 2 đầy 2/3 chén. Bạn có cảm giác bộ uống trà như một đội quân thu nhỏ đúng không? Nếu bạn rót xoay vòng một lượt liên tục mà không phải nhấc tay lên người ta thường gọi mỹ miều là “quan công tuần thành”, còn nếu bạn rót từng chén rồi nhấc tay lên rót chén khác, người ta gọi là “Hàn Tín điểm binh”
>>> Mách bạn địa chỉ mua chè thái nguyên ngon ở Hà Nội
Cách thưởng trà của người xưa cũng rất nho nhã và có khuôn phép nhất định.Trà là thức uống con cháu dâng lên các bậc trưởng bối, chủ nhà chiêu đãi khách quý, bề tôi dâng lên vua chúa. Do vậy từ xưa khi thưởng trà người ta yêu cầu cũng rất tỉ mì. Dâng trà đúng cách đó là dùng 2 ngón giữa đỡ đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén, cách dâng trà như này người xưa gọi là “Tam long giá ngọc” (ba con rồng đỡ viên ngọc) đủ thấy việc uống trà và dâng trà được coi trọng như thế nào. Người dâng trà và người uống trà đều phải cung kính cúi đầu chào nhau, để thể hiện sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau.
Khi đã nhận trà không phải là uống tụp một phát cho hết chén trà đâu. Người xưa khi nâng chén trà thưởng thức thì chén trà phải được nâng qua tay trái, rồi sang phải, ông cha ta gọi việc này là “du sơn lãm thủy”. Tiếp đó đặt chén trà trong lòng bàn tay, lim dim mắt, nâng chén trà lên mũi để cảm nhận hương thơm của trà phảng phất và dùng tay che chén trà rồi mới nhấp một ngụm nhỏ, giữ lại trong khoang miệng một chút, rồi từ từ nuốt miếng trà qua cổ họng để cảm nhận chút đắng, chút chát và sau đó là vị ngọt ở nơi cổ họng, dòng nước trà đi đến đâu trong cơ thể bạn có thể cảm nhận được một cách rõ rệt. Nhấp xong ngụm trà, hương thơm đọng lại trong khoang miệng khiến vạn người thưởng trà say mê.
Thưởng trà là như thế, nó phải đánh thức hết được các giác quan trên cơ thể bạn: nào là mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, lưỡi nếm, tay cầm. Bạn phải cảm nhận được tất cả các công đoạn từ pha – rót – thưởng thì mới thấy sao mà việc uống trà nó lại nho nhã thư thái đến thế. Bạn phải tập trung tâm trí vào pha trà, thưởng trà thì mởi cảm được trà, mới cảm nhận được hương, vị, sắc của trà nó tuyệt vời như thế nào, đó là nghệ thuật thưởng trà của người Việt. Từ cách bạn thưởng trà để có thể dụng tâm vào làm việc giúp bạn nhận được giá trị xứng đáng của cuộc sống dành cho bạn.